Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

Lại xây 4 bệnh viện 1000 giường !

Tin trên báo Dân trí cho hay : sẽ xây thêm 4 bệnh viện 1000 giường bệnh tại 4 địa điểm xung quanh Thủ đô.
 Chả hiểu mấy anh chủ tịch hay phó chủ tịch Hà nội lâu rồi có vi hành đến các viện tại Thủ đô hay không ? tôi thì chắc chắn là không vì hơi đâu mà các anh lại đến các nơi ấy để ...nhiễm bệnh.
 Tôi vì đặc thù công việc và cũng vì thường xuyên đi thăm người nhà hoặc đưa người nhà đi viện nên không còn gì để nói về mấy cái bệnh viện ở xứ Thủ đô ta. Việc thái độ của nhân viên ngành y tế thì báo chí nói rồi, nói chán rồi, không còn gì để nói thêm. Tôi chỉ có vài điều muốn giãi bày cùng với mấy anh lãnh đạo Thủ đô và lãnh đạo bộ y tế để mong rằng : có một ngày nào đấy, cứ định kỳ hàng tháng thì các anh phải vào thăm các bệnh viện ít nhất 1 lần thôi.
 Để các anh sẽ thấy là hiện nay ở Thủ đô ta đang có những bệnh viện không thể cũ hơn, bẩn hơn, xập xệ hơn và quản lý dở hơn được nữa. Nếu không tin thì các anh hãy đi một vòng rồi sau đó về nhà xem xét, nếu vợ hay Bố Mẹ các anh bị bệnh, hãy thử cho vào nằm giống như Nhân dân đang nằm, ngồi chồng lên nhau trong các bệnh viện hiện nay.
 Tôi cứ vào viện có việc là lại thấy chán, không phải là chán vì cái thái độ của đa số nhân viên y tế trong viện ( trừ một số bác sỹ thực sự có tài và tâm đúng như khẩu hiệu " Lương y như từ mẫu") mà chán về tất cả những thứ trong viện đập vào mắt mình. 
 Nào là tường vôi lở loét ở ngay tại khoa ngoại, khoa điều trị thậm chí ở nhiều khoa. Nào là nhà vệ sinh khai mù - có thu tiền - ngay cạnh phòng chụp chiếu siêu âm, điện tim điện não. Nào là các nhà vệ sinh hay cả dãy hàng loạt phòng của khoa không hề có hệ thống thông gió theo tiêu chuẩn. Hệ thống khí o xy, khí thở ...không có hoặc dùng ngay một chai để đầu giường bệnh rất tạm bợ, các ổ cắm điện, đèn chiếu sáng, quạt điện rất cũ nát, mất, hỏng chưa nói đến điều hòa không khí và bình tắm nóng lạnh có hay không cho các phòng.


 Tôi không dám mang mấy cái viện như Việt - Pháp hay Việt - Nhật ra để so bì với các viện tuyến trung ương của ta, mà chỉ thấy rằng : sự cần thiết tối thiểu để bảo toàn tính mạng của con bệnh lẽ ra chúng ta có thể làm được nhưng cũng chưa ai làm.
 Chẳng hạn : khi đang mổ tim cho một cháu bé thì mất...điện ! phải cả gần chục phút sau mới thấy máy phát điện nổ lên nhưng cứ phập phù vì bảo dưỡng hay vận hành kém. Thật nguy hiểm nếu máy trợ tim ngừng trong vài phút, các bạn thử nghĩ xem sẽ ra sao ?
 Hay việc con bệnh sau khi mổ được nằm trong phòng hồi sức hoặc ra phòng nằm tại khoa ngoại mà phòng đó không được cấp không khí sạch 99,7% để chống nhiễm khuẩn ? con bệnh sẽ gặp nguy cơ phải quay lại phòng mổ hoặc cấp cứu vì nhiễm trùng chỉ vì nhiều loại vi khuẩn trong không khí luôn có sẵn tại bệnh viện. Vậy thì ai chịu trách nhiệm, không lẽ là con bệnh ?
 Nếu ai từng vào các nhà vệ sinh trong các bệnh viện ví dụ như : Xanh Pon, Viện C, Tim Hà nội...thì sẽ không thể ngạc nhiên hơn. Ngạc nhiên vì tại sao mà cả dãy phòng bệnh nhân khoa ngoại hơn chục phòng lại chỉ có mỗi một phòng WC, dùng chung cho cả nam và nữ, xếp hàng chờ. Thậm chí vòi nước, ống nước, thoát sàn đều hỏng và xì xoẹt cả.
 Cụ thể như viện tim, các người thân của con bệnh được cho thuê cái giường chỗ mái tôn vảy ra cạnh  nhà vệ sinh khai mù. Cứ nằm đó và chờ trên khoa gọi xuống một anh quản lý khu ổ chuột đó mỗi khi cần mang khăn, nước, giấy, đồ uống lên phòng hồi sức cho con bệnh là người nhà. Hay việc con bệnh vào nằm cả tuần rồi, mai đi mổ thì hôm nay bác sỹ yêu cầu đi siêu âm ổ bụng, chụp vài thứ nhưng phải tự cầm giấy xuống hỏi chỗ bạn ở bàn số 3 xem ở viện có làm không, nếu không thì sang ...Phan Chu Trinh ! Giời ạ, sao nội bộ viện họ không biết là trong viện của họ có chụp gì hay không nhỉ ? chịu ! quản lý của họ chắc qui định như vậy, chỉ biết tự suy diễn để trả lời vậy.


 Tôi từng tham gia xây dựng một số hạng mục cho mấy cái viện của ta như Bưu điện, Viện nhi mở rộng, Máu và huyết học , Việt Pháp, Việt nhật, Việt Mỹ - những viện này vốn tư nhân,  ngành hoặc tài trợ của vài tổ chức nước ngoài như Đông tây hội ngộ... vv. Tôi thấy rằng ngành y tế ta nên qua đó để tham khảo, học hỏi để làm theo những gì tiến bộ, văn minh của họ.
 Chuyện nước thải và rác thải của các viện ta cũng là những vấn đề đáng nói, có một số thì làm xử lý nhưng qua quít, đối phó. Còn lại đa số không có hệ thống xử lý này, mặc kệ nước thối um, rác mang đi đâu hay về Triều khúc không biết. Không khí từ các khu mổ hay khu lây thải ra chắc chắn chưa ai làm xử lý - điều này chắc ít chuyên gia cấp quản lý được đào tạo và biết chưa nói đến việc hình thành các qui định trong luật pháp, tiêu chuẩn, qui chuẩn.
 Trở lại việc mấy anh lãnh đạo xin dự án xây mới các viện như báo đăng, tôi cho rằng đó chỉ là vết xe đổ của bệnh...dự án.
 Xây bệnh viện mới hàng loạt hay phòng bệnh từ gốc ? câu hỏi này dành cho các nhà quản lý. Việc xây bệnh viện chỉ là cắt ngọn hay hái quả dự án, việc quản lý môi trường sống tốt trong một kỷ cương pháp luật nghiêm minh, dân chủ mới là việc cần làm ở vai trò của các nhà lãnh đạo. Khi mà người dân phải sống trong một môi trường không khí ô nhiễm, thực phẩm và nước uống bẩn, tiếng ồn quá mức cho phép...vậy thì có xây cả trăm bệnh viện đi nữa vẫn không đủ cho con bệnh nằm mỗi người một giường. Thủ đô ta sáp nhập Hà tây vào rồi thì số dân đâu chỉ là vài triệu mà sẽ là vài chục triệu. Vậy khi ai cũng bệnh vì thở khí bẩn, ăn bẩn, uống bẩn, thần kinh hỏng ...khi ấy bao nhiêu giường cho đủ ?
 Tôi nghĩ rằng các anh cần làm đúng chức năng nhiệm vụ mà Dân giao phó : anh nào quản lý môi trường thì làm tốt đi, anh nào quản lý đồ ăn nước uống làm tốt đi, anh nào giáo dục dân trí về kỹ năng sống làm tốt đi, anh nào làm bác sỹ làm tốt đi. Như vậy chắc chắn số con bệnh sẽ ít vì thế không tốn nhiều tiền để xây nhiều bệnh viện mà vẫn không xuể.
  Một Thủ đô văn minh không phải là một Thủ đô có nhiều bệnh viện và nhiều trung tâm thương mại lớn. Thủ đô lớn cần tầm những lãnh đạo có tầm nhìn lớn, tư duy không chỉ gói gọn trong một nhiệm kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét